Ngày 31 tháng 10 năm 2024, tại Đại học Kinh Tế TP.HCM đã diễn ra chương trình workshop “Ứng dụng blockchain trong kinh doanh Bất động sản”. Chương trình do Liên Chi Hội Đào Tạo Bất Động Sản Việt Nam (VNREEA) và Trường Kinh Tế, Luật và Quản Lý Nhà Nước (UEH), Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) phối hợp tổ chức. Worskhop cũng được xem là tiền đề để các bên nghiên cứu, đề xuất thảo luận cho một diễn đàn quy mô lớn về ứng dụng Blockchain trong kinh doanh bất động sản trên phạm vi cả nước, sẽ diễn ra vào quý I/2025.
Tham dự workshop có Ths. Nguyễn Thị Kim Khánh – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VNREEA, TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan, Giám đốc chương trình và Trưởng bộ môn Bất động sản của UEH; TS. Dương Kim Thế Nguyên – Trưởng Khoa Luật, Trường Kinh Tế, Luật và Quản Lý Nhà Nước (UEH), Hội viên VNREEA, đại diện doanh nghiệp, hội viên hội môi giới bất động sản, đại diện doanh nghiệp và sinh viên trường UEH. Đặc biệt, workshop có sự tham gia của diễn giả, chuyên gia đầu ngành Ông Phan Hồng Quân – Trưởng Ban hội viên Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Luật sư Ngô Việt Bắc – Giảng viên Học viện Tư pháp Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Luật gia trẻ Thành phố Hồ Chí Minh.
Mở đầu chương trình workshop, Ông Phan Hồng Quân – Trưởng Ban hội viên Hiệp hội Blockchain Việt Nam, chia sẻ tổng quan về Blockchain và ứng dụng của nó trong kinh doanh với chủ đề “Token hóa tài sản thực (RWA), cầu nối giữa tài chính truyền thống và công nghệ Blockchain” . Các nội dung bao gồm: lợi ích của việc token hóa tài sản thực; nghiên cứu trường hợp quốc tế và cơ hội tại Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh tiềm năng của công nghệ này trong việc tối ưu hóa quy trình giao dịch và tăng cường tính minh bạch.
Theo ông Quân, ý định của người dùng khi tham gia vào thị trường blockchain là đầu tư ngắn hạn, có niềm tin rằng blockchain có thể nâng cao cuộc sống bằng cách xây dựng một nền kinh tế toàn cầu rõ ràng, dễ tiếp cận và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, phần lớn người dùng hiện tại chủ yếu tham gia vào việc đầu cơ, thiếu đi ứng dụng thực tế đối với tài sản hữu hình.
Nhấn mạnh vai trò của blockchain, ông cũng chia sẻ, (1) Blockchain mang tính phi tập trung, tức việc phân bổ quyền lực và quản lý mạng lưới qua nhiều nút (nodes), thay vì tập trung quyền kiểm soát vào một tổ chức hoặc bên thứ ba duy nhất; (2) đồng thuận, là nguyên tắc quan trọng đảm bảo tính an toàn và sự tin cậy của dữ liệu trong các hệ thống phi tập trung như blockchain. Khi một giao dịch mới được tạo hoặc một khối mới được thêm vào chuỗi, các nút (nodes) trong mạng phải đạt được sự đồng thuận về tính hợp lệ của thông tin đó. Quá trình này giúp ngăn chặn gian lận hoặc các cuộc tấn công mạng. Có nhiều cơ chế đồng thuận khác nhau, trong đó phổ biến nhất là Proof of Work (Bằng chứng công việc) và Proof of Stake (Bằng chứng cổ phần); (3) bất biến, nghĩa là dữ liệu, khi đã được thêm vào blockchain, không thể bị sửa đổi hoặc xóa bỏ. Điều này có nghĩa là khi một khối hoặc giao dịch đã được xác nhận và thêm vào blockchain, nó không thể bị thay đổi. Tính bất biến là một trong những lợi thế quan trọng của blockchain, mang lại các lợi ích như sự minh bạch và bảo mật, giúp blockchain trở thành một cơ sở dữ liệu phân tán an toàn.
Đại diện VBA cũng nhấn mạnh tiềm năng của Blockchain tại thị trường Việt Nam, minh chứng là dòng vốn từ thị trường blockchain đổ vào Việt Nam khoảng 105 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2024, xếp hạng 11 toàn cầu, đứng thứ 3 tại khu vực Trung và Nam Á cùng Châu Đại Dương. Đặc biệt, Việt Nam cũng đã có những dự thảo về khung pháp lý, tích hợp định nghĩa về tài sản số vào luật. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam dẫn đầu ngành công nghiệp blockchain trong khu vực bằng cách ứng dụng công nghệ blockchain để xây dựng hạ tầng số an toàn và minh bạch, từ đó thúc đẩy nền kinh tế số.
Tiếp tục chương trình, TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan – Trưởng bộ môn & Giám đốc chương trình, Bất động sản UEH, Phó chủ tịch VNREEA mang đến chủ đề “Cơ hội và thách thức của Blockchain trong thị trường bất động sản trên thế giới và tại Việt Nam”. Ông đã chia sẻ những xu hướng blockchain quốc tế và những thách thức mà thị trường bất động sản Việt Nam có thể đối mặt. Trong đó, nổi bật hai nội dung chính là blockchain trong quản lý đất đai và blockchain trong kinh doanh bất động sản.
Theo TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan, Blockchain sử dụng một mạng lưới đồng thuận để xác nhận và xác minh giao dịch đồng thời tại cơ quan nhà nước, tại điểm giao dịch bất động sản, và trong máy tính cá nhân, được xây dựng bằng cách kết hợp các khối (blocks) chứa thông tin giao dịch thành một chuỗi liên kết (chain) có tính bảo mật cao. Như vậy, việc áp dụng blockchain trong quản lý đất đai và địa chính giúp giảm việc xử lý giấy tờ, giảm chi phí, và hỗ trợ giao dịch nhanh chóng. Tuy nhiên, công nghệ này cũng đặt ra một số yêu cầu nhất định: số hóa quy trình (digitalization) không đồng nghĩa với số hóa thông tin (digitization); đầu tư lớn vào hạ tầng số quốc gia, và blockchain đòi hỏi sự sẵn sàng và đồng bộ pháp lý ở nhiều lĩnh vực như giao dịch bất động sản, quản lý đất đai và nhà ở, và giao dịch điện tử.
Tại Việt Nam, trong giai đoạn thực thi Luật đất đai 2013, Việt Nam đã thiết lập một Hệ thống thông tin đất đai. Tuy nhiên quá trình xây dựng còn nhiều hạn chế, phần mềm ứng dụng quản lý dữ liệu đất đai chưa được sử dụng thống nhất tại địa phương. Bên cạnh đó, cũng có sự tồn tại đồng thời của thông tin đất đai đã được số hóa (digitization) và chưa số hóa, việc phát triển công nghệ blockchain trong quản lý đất đai còn nhiều khoảng trống lớn, Tồn tại rủi ro nằm trong hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ liên quan đất đai đe dọa tính ổn định của chất lượng dữ liệu đất đai. Tuy còn nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu nhưng TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan cũng chia sẻ thêm tại workshop một nhận định tích cực của công nghệ blockchain tương lai. Theo Luật đất đai năm 2024, hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được nâng cấp gắn kết với tiến trình kết nối dữ liệu số, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai để cập nhật, chia sẻ, khai thác. Từ đó, cơ hội cho các doanh nghiệp hợp tác với chính quyền cung cấp giải pháp công nghệ số hóa quy trình quản lý đất đai.
Đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, ông cũng đưa ra các nhận định về thế mạnh cũng như những yêu cầu của công nghệ tokenization. Blockchain cho phép chia nhỏ sở hữu bất động sản thương mại (tokenization), giúp giao dịch và sở hữu các token an toàn và nhanh; giá của token làm cho việc đầu tư vào bất động sản tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng hơn, đặc biệt khi nền tảng triển khai đã có sẵn ở phạm vi thế giới với số quốc gia triển khai gia tăng. Nhưng bên cạnh đó, tokenization cũng đòi hỏi sự sẵn sàng và đồng bộ pháp lý ở nhiều lĩnh vực như giao dịch bất động sản, quản lý đất đai và nhà ở, và giao dịch điện tử, công nghệ này khi đưa vào ứng dụng; vận hành có thể đòi hỏi sự tham gia và hợp tác của nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ khác nhau, và đặc biệt là ngân hàng trung ương.
Với chuyên đề tiếp theo được trình bày tại sự kiện, Luật sư Ngô Việt Bắc – Giảng viên Học viện Tư pháp Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Luật gia trẻ Thành phố Hồ Chí Minh đã mang đến nội dung“Thực trạng và giải pháp phát triển Blockchain trong kinh doanh Bất động sản tại Việt Nam” .
Đầu tư giá trị bất động sản chia nhỏ để cập đến xu hướng mới trong đầu tư bất động sản tại Việt Nam, nơi tài sản được chia nhỏ thành các phần để thu hút nhà đầu tư có vốn ít. Ông Bắc nêu bật mô hình đầu tư “chia nhỏ bất động sản” giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận các dự án tiềm năng mà không lo ngại về lãi vay, đồng thời cung cấp tính thanh khoản cao cho nhà đầu tư. Mô hình này, hỗ trợ qua blockchain, cho phép sở hữu tài sản dưới dạng cổ phần kỹ thuật số và nhận lợi nhuận mà không cần số vốn lớn. Không thể phủ định với sự phát triển nhanh chóng của nền công nghệ số hóa hiện nay, mô hình này chắc chắn sẽ phát triển và tác động lớn đến hình thức kinh doanh cũng như cách hiểu về hình thức sở hữu tài sản bất động sản trong thời gian tới. Tuy nhiên, rào cản pháp lý hiện tại vẫn đặt ra nhiều rủi ro về quyền sở hữu và tính minh bạch giao dịch.
Sau các phần trình bày, các diễn giả và đại biểu còn mang lại không khí hết sức sôi nổi và tích cực thông qua những trao đổi thảo luận sâu sắc, tập trung vào thực trạng ứng dụng công nghệ blockchain, tích cực đưa ra các đề xuất và góp ý nhằm thúc đẩy việc triển khai công nghệ này vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong tương lai.
Điều phối phiên thảo luận, Ths. Nguyễn Thị Kim Khánh cũng đặt ra các câu hỏi và đều nhận được trao đổi cũng như đồng thuận từ tất cả các địa biểu tham dự, rằng (1) Blockchain hoàn toàn có thể ứng dụng trong kinh doanh Bất động sản tại Việt Nam; (2) nguồn lực công nghệ mới nói chung, công nghệ blockchain nói riêng của Việt Nam đã sẵn sàng để đi cùng xu hướng trong khu vực và thế giới; (3) VNREEA phối hợp Hiệp hội Blockchain Việt Nam, các đơn vị trường, hiệp hội… sẽ triển khai các chương trình cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam tham gia triển khai thí điểm vào nghiên cứu và ứng dụng blockchain trong kinh doanh. Đặc biệt, các diễn giả đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ giữa ba khía cạnh: kinh doanh, công nghệ blockchain và pháp lý. Sự phối hợp này được coi là yếu tố cốt lõi để đảm bảo blockchain được áp dụng một cách hiệu quả và bền vững trong ngành bất động sản tại Việt Nam.
Ông Phan Hồng Quân nhấn mạnh tiềm năng và sự sẵn sàng nguồn lực công nghệ blockchain Việt Nam so với khu vực và thế giớiWorkshop về “Ứng Dụng Blockchain Trong Kinh Doanh Bất Động Sản,” là workshop đầu tiên về lĩnh vực blockchain được VNREEA phối hợp UEH tổ chức, với sự tham dự của Hiệp hội blockchain Việt Nam và các chuyên gia. Trong khuôn khổ buổi workshop, ngoài mang đến các kiến thức chuyên ngành, các chuyên gia cũng đã thảo luận về tiềm năng cũng như xu hướng ứng dụng công nghệ blockchain trong việc tối ưu hóa quy trình kinh doanh, từ quản lý dữ liệu cho đến giao dịch tài sản. Việc ứng dụng blockchain không chỉ nâng cao tính minh bạch và bảo mật trong các giao dịch bất động sản, mà còn mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển bền vững và hiệu quả trong ngành. Chương trình đã đánh dấu một chương mới trong việc hợp tác nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản.
Phát biểu tổng kết chương trình, Ths. Nguyễn Thị Kim Khánh bày tỏ lòng cảm ơn và sự vui mừng vì có sự quan tâm, đồng thuận giữa Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Liên Chi Hội Đào Tạo Bất Động Sản Việt Nam, đại diện nhà trường và các tổ chức doanh nghiệp, hiệp hội, ban ngành liên quan sẽ tạo nên một bước tiến quan trọng trong việc triển khai các hoạt động thiết thực, tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ mới vào ngành bất động sản tại Việt Nam.