Những thay đổi tích cực về chính sách của Việt Nam trong thời gian qua đã giúp thị trường M&A trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Nhận định này được các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra trong phiên thảo luận 1 với chủ đề “ Thị trường M&A: Những chuyển động lớn từ bối cảnh vĩ mô và xu hướng dòng vốn quốc tế” tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2024, do Báo Đầu tư tổ chức chiều ngày 27/11.
Nêu ý kiến tại diễn đàn, bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF nhìn nhận, những thay đổi tích cực về chính sách thời gian vừa qua, đặc biệt là các dự thảo sửa đổi nhiều luật liên quan đến đầu tư đang được Quốc hội khóa XV bàn thảo và thông qua trong tháng 11/2024 sẽ tác động tích cực đến việc đầu tư.
Sự sửa đổi chính sách thu hút đầu tư và việc đẩy mạnh chuyển đổi số của Chính phủ được nhìn nhận là những điểm nổi bật giúp thị trường M&A của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, bà Duyên cũng chỉ ra những thách thức cần phải lưu ý trong các hoạt động M&A tại Việt Nam. Đó là những thay đổi về chính sách thuế, như thuế tối thiểu toàn cầu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt …
“Nhiều chính sách nhà đầu tư cần nhiều thời gian để đánh giá kỹ tác động đến thương vụ M&A trong tương lai. Điều này có thể dẫn tới nhiều thương vụ bị chậm lại”, bà Duyên nhận định.
Sự tác động của các chính sách mới đến thị trường M&A cũng được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là tích cực.
Ông Oh Hsiu-Hau, Luật sư điều hành, Công ty Allen & Gledhill Việt Nam cũng cho rằng, việc ban hành Luật Đất đai 2024, với nhiều sửa đổi tích cực đã tác động đến thị trường bất động sản. Từ đó, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản của Việt Nam, thông qua các thương vụ M&A.
“Chúng ta đã thấy có nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường bất động sản. Nhưng chúng tôi cũng kỳ vọng trong thời gian tới ngoài bất động sản cũng sẽ có nhiều dự án về năng lượng tái tạo; chăm sóc sức khỏe”, luật sư Hsiu-Hau kỳ vọng.
Ngoài ra, việc điều chỉnh các quy tắc cạnh tranh rõ ràng với các hướng dẫn cụ thể hơn đặc biệt với các giao dịch từ nước ngoài chuyển về cũng sẽ tạo niềm tin cho thu hút đầu tư vốn nước ngoài vào Việt Nam. Từ sự thay đổi tích cực về chính sách của Chính phủ Việt Nam, các nhà đầu tư ngoại đang dần quay trở lại.
Ông Đinh Thế Anh, Thành viên điều hành, Trưởng bộ phận Tư vấn tài chính doanh nghiệp, KPMG Việt Nam cho biết, sau 2 năm sụt giảm, có những tín hiệu cho thấy nhà đầu tư ngoại đang quay lại, khi ghi nhận sự gia tăng về số lượng, dòng tiền từ một vài thương vụ.
Các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản khá yên tĩnh trong 2 năm qua cũng đang quay trở lại khi quan tâm đến một số thương vụ. “Lĩnh vực giáo dục đang thu hút nhiều nhà đầu tư, đây là lĩnh vực được nhận định có sức hấp dẫn thời gian tới”, ông Đinh Thế Anh nhận định.
Cùng chung kỳ vọng như nhiều nhà đầu tư khác, ông Lee Leong Seng, Giám đốc Bộ phận Phát triển Bất động sản Nhà ở, Khối Bất động sản, Keppel Việt Nam cho rằng, với những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, hoạt động M&A là một trong những “con đường” hiệu quả nhất. Bởi vì thông qua M&A, các nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận những đối tác tiềm năng để đầu tư lâu dài.
Bước sang năm 2025, các chính sách vĩ mô của Chỉnh phủ Việt Nam được chuyển hóa thành các hành động cụ thể, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành bất động sản tại Việt Nam.
“Chúng tôi đặc biệt hào hứng trước những thay đổi tích cực của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Những cải thiện này không chỉ thúc đẩy lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các ngành truyền thống cũng như ngành mới”, ông Lee nói.