Phát Triển Bền Vững Thị Trường BĐS: Dự báo các phân khúc thị trường

Nhà nước cần sớm có các biện pháp hỗ trợ nhằm “thông” đường đi cho các dự án nhà ở thương mại giá bình dân, nhà ở xã hội và có thêm chính sách phục hồi cho bất động sản nghỉ dưỡng.

Thông tin tại Diễn đàn “Phát triển bền vững thị trường bất động sản và trao chứng nhận Dự án đáng sống 2024” do VCCI chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, trong năm 2024 không những kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng tốt mà thị trường cũng tăng trưởng tốt.

ongdinh2.jpg
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tham luận tại Diễn đàn

Ông Đính cho rằng, nỗ lực gỡ khó cho thị trường bất động sản đã có kết quả tích cực khi đã “bơm” thêm vào thị trường những nguồn cung mới, đặc biệt trong giai đoạn từ đầu năm tới nay, đã tạo ra khoảng 40.000 sản phẩm mới. Điều này cho thấy những nỗ lực cải cách, cởi trói của thể chế của Chính phủ cũng như các địa phương đã tạo ra những hiệu ứng tích cực cho thị trường.

Cán cân cung – cầu hiện nay cũng đang được điều chỉnh dần khi nguồn cung tăng thì giảm dần áp lực về cầu và theo đó giá bán bất động sản đã được điều chỉnh về mức phù hợp hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, theo ông Đính, trên thực tế, vẫn còn đó một số băn khoăn, khi các địa phương đang tiến hành công bố bảng giá đất, cũng như các quy hoạch mới có thể tạo ra những tác động trực tiếp vào giá bất động sản. Nguy cơ giá đất của một số địa phương sẽ bị đội lên cao, bởi thực tế hiện nay, các dự án ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng giá rất cao, dẫn đến nguy cơ đẩy chi phí đầu tư, làm tăng đột biến giá sản phẩm.

chutoa.jpg
Các đại biểu và chuyên gia tham gia thảo luận tại Diễn đàn

“Do đó, chúng tôi dự báo giá bất động sản khó có thể điều chỉnh giảm và đang có dấu hiệu tăng cao. Đặc biệt, có một nghịch lý cung có thể được cải thiện, về nguyên lý thì giá bán sẽ phải giảm, tuy nhiên, ở đây cung được cải thiện nhưng mà giá lại đang cao. Nhìn chung nếu không có những cải thiện về giá, các giao dịch sẽ giảm đi và chững lại – đây là vấn đề khiến chúng tôi hết sức lo lắng”, ông Đính chia sẻ.

Đồng thời ông cho rằng, thời gian vừa qua, dòng tiền do bị dồn nén khá lâu và nguồn cung mới chưa thực sự dồi dào nên mặc dù tăng giá nhưng tỷ lệ hấp thụ tốt. Tuy nhiên, nếu giá bất động sản không có điều chỉnh giảm về mức phù hợp và dòng tiền vẫn chảy vào bất động sản thì chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ chậm dần và yếu đi thì lúc đó rất có thể thị trường sẽ tồn tại trạng thái dư cung.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, về các phân khúc bất động sản thì hiện nay, phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục duy trì sức “nóng” với số lượng dự án mới được triển khai tăng trưởng mạnh, cùng nguồn vốn FDI ngày càng “dồi dào”, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động vẫn duy trì mức tăng ổn định.

Phân khúc bất động sản thương mại văn phòng và bán lẻ đều tiếp tục phát triển với nhiều tiềm năng trong dài hạn từ các nhu cầu ngày càng tăng trưởng cả về quy mô lẫn chất lượng.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng lại gặp khó khăn, đặc biệt về mặt pháp lý. Dù đã có luật nhưng hiện thực tế tại địa phương cũng chưa có nhiều khởi sắc, nếu phân khúc bất động sản này được cải thiện thì sẽ thu hút được các nhà đầu tư đóng góp chung vào sự phát triển của thị trường bất động sản.

Trên cơ sở những kết quả ghi nhận được thời gian qua, chúng tôi dự báo, nếu các yếu tố như chính sách pháp lý, tài chính và đầu tư công tiếp tục được cải thiện, thị trường khả năng sẽ tiếp tục “tăng nhiệt” trong giai đoạn tới khi hàng lang pháp lý mới chính thức đi vào cuộc sống, khi các chủ đầu tư tiếp tục đẩy mạnh triển khai dự án.

“Thị trường bất động sản đang ở giai đoạn chuyển giao, vì vậy sẽ rất nhạy cảm trước các yếu tố ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực từ các chủ thể. Sự tăng trưởng nhẹ ở một số phân khúc có thể tạo nên đà hồi phục mạnh mẽ nếu các yếu tố hỗ trợ từ chính sách, hạ tầng và tài chính được đáp ứng. Tuy nhiên, câu chuyện tăng giá bất động sản nếu không được can thiệp sớm, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho thị trường và cho cả xã hội.

Để giải quyết được tình trạng này, Nhà nước cần sớm có các biện pháp hỗ trợ nhằm “thông” đường đi cho các dự án nhà ở thương mại giá bình dân, nhà ở xã hội và có thêm những chính sách phục hồi cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Song song với đó, rất cần sự tham gia, đồng hành của tất cả các chủ thể bao gồm: cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp bất động sản và môi giới bất động sản”, ông Đính bày tỏ.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp