Xu hướng chuyển đổi số đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với ngành Bất động sản, đó là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản sẽ có cơ hội tiếp cận khách hàng với chi phí rẻ, dễ dàng thực hiện các chiến lược marketing hấp dẫn, nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, đi liền với các cơ hội thì các doanh nghiệp bất động sản cần phải tiếp tục đầu tư, đồng bộ hóa, nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự và hệ thống công nghệ để thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Thực trạng nhân lực ngành Bất động sản
Có thể khẳng định, hoạt động của thị trường bất động sản (BĐS) đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cơ sở hạ tầng, hỗ trợ và phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, hầu như các hoạt động của người lao động ở mọi địa vị, tầng lớp, ngành nghề đều gắn liền với BĐS, vì vậy, so với thị trường lao động, nhân sự ngành BĐS hiện nay khá đa dạng.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo thống kê của trang tin tuyển dụng Timviec365.com, nhu cầu nhân lực ngành BĐS phổ biến ở các vị trí như: Nhân viên phòng giao dịch BĐS; Quản lý toà nhà, pháp chế, nhân viên kinh doanh, môi giới; Quản lý, huấn luyện nhân viên bán hàng; Trợ lý giám đốc dự án; Quản lý văn phòng giao dịch BĐS; Quản lý dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng; Chuyên viên quy hoạch và phát triển kinh doanh; Chuyên viên tư vấn đầu tư BĐS; Chuyên viên thẩm định giá trị BĐS; Nhà quản lý và phát triển BĐS; Nhà đầu tư BĐS…
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực (NNL) ngành BĐS Việt Nam hiện nay còn chưa theo kịp với sự phát triển của thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, để đáp ứng yêu cầu về tính đặc thù của hoạt động kinh doanh BĐS, NNL BĐS phải có kiến thức đa ngành: kinh tế, kỹ thuật, luật, tâm lý xã hội và công nghệ. Với sự lêch pha cung cầu nhân sự, thực trạng NNL ngành BĐS Việt Nam đang đối diện với các vấn đề sau:
Thứ nhất, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành BĐS gia tăng hàng năm, song nguồn cung tương đối thấp, nhất là NNL chất lượng cao: Nhu cầu nhân sự BĐS hiện đang xếp thứ 7/11 nhu cầu nhân lực của các nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao. Theo nghiên cứu, nhu cầu tuyển dụng ngành BĐS giai đoạn 2016-2020 khá lớn, bình quân chiếm 4,15% tổng nhu cầu nhân lực/năm. Nhiều nhân sự trái ngành cũng quan tâm và ứng tuyển.
Theo thống kê của các trang tin tuyển dụng, có đến hơn 50% số tin tuyển dụng liên quan đến nhân sự ngành BĐS. Tần suất tuyển dụng lao động thường xuyên với số lượng tuyển dụng cao (trung bình từ 20-50 nhân viên) và mức lương cạnh tranh, tạo sự hấp dẫn với ngành này. Cùng với sự phát triển của ngành BĐS, lao động làm việc trong ngành BĐS cũng tăng qua các năm, chiếm 3,86% tổng lao động đang làm việc, tốc độ tăng lao động bình quân đạt 1,07%/năm; trong đó, lao động nữ làm việc trong lĩnh vực BĐS chiếm 38,68% (khoảng 74.913 lao động). Nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành BĐS trong 6 tháng đầu năm 2020 chiếm 2,8% tổng nhu cầu nhân lực. Năm 2021, dự kiến hoạt động kinh doanh BĐS chiếm 5,07% tổng nhu cầu nhân lực của ngành BĐS (tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2020).
Theo Hình 1, cầu nhân lực BĐS có xu hướng tăng, trong khi, nguồn cung nhân lực, nhất là nhân lực được đào tạo chuyên ngành còn hạn chế. Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho thấy, các chương trình đào tạo kinh tế BĐS chính quy ở các trường đại học hiện nay rất ít. Cả nuớc chỉ có 16 truờng đại học chuyên ngành đào tạo có BĐS. Phía Bắc có Khoa Kinh tế tài nguyên – Quản lý BĐS của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Lâm Nghiệp, Đại học Công nghệ và quản lý Hữu Nghị, Đại học Nông Lâm – Thái Nguyên, Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội, Học viên Nông Nghiệp Việt Nam. Miền Trung có 4 trường, bao gồm: Đại học Nông Lâm – Huế; Đại học Phan Thiết; Phân hiệu Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận và Gia Lai. Phía Nam gồm 6 trường là: Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đại học Tài chính – Marketing, Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Nam Cần Thơ. Đại học Văn Lang, Đại học Hoa Sen.
Thứ hai, nhân sự đang làm việc trong ngành BĐS phần lớn là trái ngành nhưng chất lượng tương đối cao so với các ngành khác trên thị trường lao động. Khảo sát 3.000 doanh nghiệp của Trung tâm Dự báo nhu cầu và Phát triển NNL TP. Hồ Chí Minh trong tháng 5/2020 cho thấy, nhà tuyển dụng đặc biệt đánh giá cao đối với đạo đức thái độ làm việc, sức khỏe, kiến thức chuyên môn, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm. Khảo sát của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, năng suất lao động của ngành BĐS cao hơn gấp 10 lần năng suất lao động chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhân lực BĐS hiện nay tương đối trẻ và luôn biến động. Theo khảo sát của the Leader (2020), nhân lực BĐS có độ tuổi từ 18 đến 35 chiếm hơn 50%. Mức độ gắn bó với doanh nghiệp thường duy trì từ 6 tháng đến 1 năm.
Tập đoàn Jones Lang LaSalle (JLL) dự báo, có 5 xu hướng trong tương lai sẽ dẫn dắt thị trường BĐS Việt Nam phát triển, cụ thể: (i) Xu hướng “đô thị trong đô thị” hay “BĐS tích hợp” dùng cho những dự án quy mô lớn; (ii) Làm việc từ xa tại văn phòng; (iii) Thương mại điện tử thúc đẩy ngành hậu cần và kho bãi; (iv) Doanh nghiệp BĐS giữ hướng đi “xanh” và bền vững; (v) Nhà đầu tư đang hướng về ngành Y tế và chăm sóc sức khỏe. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, thị trường BĐS sẽ đón nhận những cơ hội để bứt tốc phát triển. Hoà vào xu thế phát triển của thị trường, chính là nhu cầu về NNL. Dự báo, nhu cầu nhân lực bình quân hàng năm của ngành Kinh doanh BĐS chỉ riêng tại TP. Hồ chí Minh là khoảng 12.400-13.200 người, chiếm khoảng 4% tổng nhu cầu nhân lực. Cụ thể:
– Nhu cầu nhân lực ngành BĐS theo trình độ chuyên môn kỹ thuật: Kết quả khảo sát trong 6 tháng đầu năm 2020, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 75,39%, trong đó, đại học trở lên chiếm 5,86%; cao đẳng chiếm 9,17%; trung cấp chiếm 55,91%; sơ cấp nghề chiếm 4,45% và lao động chưa qua đào tạo chiếm 24,61%. Tuy nhiên, hầu hết các nhà tuyển dụng thực hiện đào tạo mở rộng, đào tạo nâng cao đối với lao động mới tuyển dụng.
Theo báo điện tử BMjob.vn, khảo sát tại 100 doanh nghiệp dẫn đầu về thị trường BĐS cho thấy, nhân sự cấp quản lý của ngành BĐS có trình độ đại học và trên đại học chiếm tới 87,55% nhân lực của Ngành. Tuy nhiên, NNL chất lượng cho ngành BĐS đang có xu hướng khan hiếm dần. Lực lượng nhân sự chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn, tập trung chủ yếu ở mảng môi giới BĐS.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo NNL TP. Hồ Chí Minh, trong quý I/2021 lao động chưa qua đào tạo chiếm 14,28% tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề: Hoá chất – nhựa – cao su, kinh doanh thương mại, dịch vụ du lịch… và BĐS.
– Nhu cầu nhân lực ngành BĐS theo mức lương: Đối với ngành BĐS ngoài tiền lương mà doanh nghiệp chi trả, người lao động còn có những thu nhập ngoài lương tương ứng với năng lực và hiệu quả công việc mang lại. Kết quả khảo sát trong 6 tháng đầu năm 2020, nhu cầu nhân lực tập trung ở mức lương trên 15 triệu đồng/tháng chiếm 48,42% chủ yếu cho các vị trí như: giám đốc các dự án; nhà quản lý và phát triển BĐS; quản lý, huấn luyện nhân viên bán hàng; nhà đầu tư BĐS. Mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng chiếm 13,94%, mức lương từ 8-10 triệu đồng/tháng chiếm 23,36%, mức lương từ 5-8 triệu/tháng chiếm 6,91%. Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng ở mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng chiếm tỷ lệ rất thấp với 3,37% tổng nhu cầu nhân lực ngành BĐS.
– Nhu cầu tuyển dụng nhân sự BĐS theo kinh nghiệm làm việc: Năm 2020, theo nghiên cứu của Trung tâm dự báo và phát triển NNL TP. Hồ Chí Minh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nhân sự dưới 01 năm của lĩnh vực kinh doanh BĐS chiếm 40,96%, tập trung nhiều ở các vị trí chuyên viên quy hoạch và phát triển kinh doanh BĐS, chuyên viên thẩm định giá trị BĐS. Riêng quý I/2021, nhân sự có kinh nghiệm dưới 1 năm trong ngành BĐS chiếm 34,47% tổng nhu cầu nhân sự của Ngành. Nhân sự có kinh nghiệm từ 02 năm trở lên chiếm 16,24%, tập trung ở các vị trí làm việc như: Trợ lý giám đốc dự án BĐS, giám đốc kinh doanh BĐS, trưởng phòng tư vấn quản lý BĐS. Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng đối với lao động chưa có kinh nghiệm làm việc chiếm tỷ lệ khá cao với 42,8%, tập trung ở các vị trí như: Nhân viên kinh doanh BĐS, tư vấn BĐS, nhân viên môi giới, nhân viên phòng giao dịch BĐS, nhân viên phòng dự án – kế hoạch, dịch vụ khách hàng.
Nhu cầu về nhân lực ngành Bất động sản trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh (năm 2020), nhu cầu nhân lực trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2021-2025, bình quân mỗi năm gồm khoảng 310.000 – 330.000 chỗ làm việc (trong đó, 135.000 -140.000 chỗ việc làm mới). Đến năm 2025, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 87%, trong đó, trình độ trung cấp chiếm tỷ lệ cao nhất 28%, sơ cấp nghề chiếm tỷ lệ 21%, cao đẳng chiếm tỷ lệ 16%, đại học chiếm tỷ lệ 19%, trên đại học chiếm tỷ lệ 3%.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cũng dự kiến, trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu nhân lực bình quân hàng năm của ngành Kinh doanh tài sản–BĐS ở khoảng 12.400–13.200 người, chiếm khoảng 4% tổng nhu cầu nhân lực của toàn Ngành. Trong đó, nhu cầu nhân lực trình độ sơ cấp nghề – công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 2,06%; trung cấp chiếm 61,42%; cao đẳng chiếm 9,4%; đại học trở lên chiếm 5,88%.
Có thể khẳng định, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường BĐS, xu hướng gia tăng nhu cầu về NNL, đặc biệt là NNL chất lượng cao, đã được qua đào tạo bài bản của các doanh nghiệp là tất yếu. Sự phát triển của khoa học, công nghệ, cùng với sự kết hợp giữa BĐS và công nghệ cũng khiến các doanh nghiệp phải thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với một thế hệ khách hàng mới.
Các dịch vụ quản lý, vận hành, bán cho thuê hoặc tiếp thị BĐS truyền thống đang dần được thay thế bằng những sản phẩm dịch vụ mới như dịch vụ định giá của Nga (Airbnb, Fincase), công nghệ thực tế ảo của BĐS… Thói quen sử dụng dịch vụ môi giới, quản lý, vận hành… thay đổi do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 cũng đã tác động đến chuyển dịch nhân sự (2%) hoặc chấp nhận rời bỏ Ngành (17%) của nhân viên BĐS (Brett King, 2017).
Đề xuất, khuyến nghị
Chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021 – 2030 đã chú trọng “đẩy mạnh phát triển NNL, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, 2021).
Điều này càng khẳng định Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt được những biến chuyển trong nhu cầu nhân lực của ngành BĐS và có những bước đi phù hợp để chuẩn bị cho tương lai.
Phát triển công nghệ không còn là một lựa chọn, mà là yêu cầu sống còn, thúc đẩy các doanh nghiệp BĐS đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành, dịch vụ… Chất lượng NNL mới phải đáp ứng về trình độ nghiệp vụ, kỹ năng vận hành công nghệ số, tuân thủ về quy trình vận hành cung ứng sản phẩm dịch vụ trong môi trường số hoá.
Qua quá trình giảng dạy và tham khảo, nghiên cứu về mô hình giáo dục ngành BĐS ở một số nước, tác giả đề xuất, khuyến nghị đối với các cơ sở giáo dục đào tạo nghề BĐS một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường hoạt động liên kết đào tạo với các trường và tổ chức BĐS quốc tế để gia tăng NNL chất lượng cao. Công tác đào tạo ngành BĐS được xây dựng dựa trên cơ sở yêu cầu của Chương trình kiểm định ACBSP (Hoa Kỳ) dành cho các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh. Khung chương trình và quá trình thiết kế các khối kiến thức cũng cần đảm bảo sẵn sàng cho việc phát triển các hình thức hợp tác đào tạo trong và ngoài nước như 2 văn bằng, văn bằng kép, trao đổi sinh viên.
BĐS là một sản phẩm đặc biệt, mang tính vùng miền và khu vực cao, thông tin của thị trường không hoàn hảo, do vậy, việc tăng cường hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo quốc tế giúp sinh viên có tiếp cận các nghiệp vụ thực tế, thông qua các hoạt động thực tập, trải nghiệm học kỳ doanh nghiệp…
Xu hướng phát triển BĐS du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… sẽ là tương lai của BĐS Việt Nam thời gian tới. Vì vậy, liên kết đào tạo với các nước phát triển chính là con đường ngắn nhất để tận dụng các nguồn lực về mô hình, công nghệ, quản trị tài sản, quản lý vận hành thị trường BĐS của các nước.
Hai là, để đáp ứng với kỷ nguyên số hoá, các học phần đưa vào giảng dạy cần thay đổi hoặc bổ sung phù hợp với nền tảng công nghệ số… tăng tính ứng dụng, thực hành, công nghệ và giảm tính hàn lâm, khoa học. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đào tạo cần chủ động đào tạo nhân lực theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp BĐS.
Ba là, các trường đại học cần thực hiện vai trò cầu nối giữa cung cầu lao động cho thị trường BĐS. Việc hình thành các viện nghiên cứu về BĐS trong các cơ sở giáo dục là cần thiết. Các viện sẽ là nơi nghiên cứu, tư vấn, dự báo và cung cấp thông tin về thị trường, lao động, nguồn lực cho các cơ sở đào tạo, cho doanh nghiệp và có thể là kho dữ liệu quan trọng để tư vấn xây dựng chính sách về BĐS cho Nhà nước…
Tài liệu tham khảo:
1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1. H, NXB Chính trị quốc gia sự thật, năm 2021;
2. Earn & Young (2018), The future of talent in banking: workforce evolution in the digital era;
3. Deborah R. Phillips Kathy O. Roper, (2009), “A framework for talent management in real estate”, Journal of Corporate Real Estate, Vol. 11 Iss 1 pp. 7 – 16;
4. Nikolai Siniak, Tom Kauko, Sergey Shavrov and Ninoslav Marina, The impact of proptech on real estate industry growth, IOP Conf. Series: Materials Science and Engineering 869 (2020) 062041 doi:10.1088/1757-899X/869/6/062041;
5. Các website: odclick.com, propertyinsight.vn.
(*) Phan Thị Huyền Trang – Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2021.
Nguồn: Tạp chí Tài Chính