Ngày 30.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.
Trình 2 chuyên đề để Quốc hội lựa chọn giám sát tối cao
Trình bày tờ trình, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định giám sát tối cao 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 10 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp tháng 8.2025.
Theo đó, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo và qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao.
Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung).
Nguồn nhân lực, cán bộ là gốc rễ của vấn đề
Trong phiên thảo luận, đại biểu Lê Thanh Vân – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách – thiên về giám sát tối cao chuyên đề 2, bởi theo ông, nguồn nhân lực, cán bộ là gốc rễ của vấn đề; vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao đang đặt ra một cách bức xúc.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nhấn mạnh, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đối với năng suất lao động. Năng suất lao động cao là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của Quốc gia. Tuy nhiên, 3 năm gần đây chúng ta không đạt chỉ tiêu tăng năng suất lao động do Quốc hội giao.
Nếu không có giải pháp tổng thể, toàn diện để bảo vệ, duy trì và phát huy lợi thế của nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng thì nước ta sẽ phải đối mặt với hàng loạt hệ lụy về an sinh xã hội trong tương lai; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu và chúng ta sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau khi bỏ lơ cơ hội dân số vàng.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội giám sát tối cao đối với chuyên đề 2.
Điều hành phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, 2 chuyên đề giám sát được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình ra đều rất quan trọng, là vấn đề nóng, được nhân dân và cử tri quan tâm. Quốc hội chọn 1 chuyên đề giám sát tối cao thì chuyên đề còn lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiến hành giám sát chuyên đề.
Trình điều chỉnh hiệu lực Luật Đất đai ngay tại kỳ họp thứ 7
Sáng 30.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Trình bày tờ trình về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngày 27.5, Chính phủ có tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Các tổ chức tín dụng vào chương trình năm 2024.
Nội dung chính của dự luật này là điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành sớm hơn (từ ngày 1.8.2024) đối với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, thay vì thời điểm 1.1.2025 như trong 3 luật được thông qua trước đây.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc cần sớm triển khai thi hành các luật nêu trên nhằm tháo gỡ vướng mắc, đưa các chính sách mới đã được Quốc hội quyết định vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Nguồn: Báo Lao động