Chi tiết khóa học
1. Giới thiệu chung về ngành Bất động sản
Lĩnh vực bất động sản là một trụ cột chính trong nền kinh tế của mỗi quốc gia, có liên hệ chặt chẽ với các hoạt động đầu tư, tài chính. Với lợi thế là Trường đầu tiên trong cả nước đào tạo chính quy về bất động sản ở cả ba trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, sản phẩm đào tạo của Ngành là những nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp, nhà hoạch định chính sách kinh tế bất động sản, nhà quản lý bất động sản, chuyên viên trong lĩnh vực tài chính, định giá, môi giới bất động sản …
Khối tuyển sinh: A00, A01, D01, D07
Điểm trúng tuyển 2017 – 2018 – 2019 – 2020: 24.25 – 21.5 – 23.85 – 26,55
2. Mục tiêu đào tạo
Mục tiêu chung:
Đào tạo cử nhân ngành Bất động sản có phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức, có sức khỏe tốt, có trách nhiệm với xã hội; có kiến thức cơ bản, hiện đại về kinh tế – xã hội, về quản trị kinh doanh; có kiến thức chuyên sâu về quản trị kinh doanh bất động sản; có tư duy khoa học sáng tạo, có khả năng đề xuất và thực hiện các công việc thuộc lĩnh vực bất động sản trong các cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức trong bối cảnh toàn cầu hóa; có năng lực tự học tập, nghiên cứu bồi dưỡng để nâng cao trình độ.
Mục tiêu cụ thể:
Về kiến thức: Cử nhân ngành Bất động sản được trang bị hệ thống kiến thức: (1) Kiến thức về kinh tế thị trường, quản trị kinh doanh hiện đại và quản lý kinh tế; có các kiến thức chung về kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam; (2) Có kiến thức cơ bản, nền tảng về quản trị kinh doanh; (3) Nắm vững kiến thức chuyên sâu về quản trị kinh doanh bất động sản, kiến thức về đầu tư, kinh doanh phát triển bất động sản trong bối cảnh thay đổi môi trường trong nước và quốc tế; (4) Nắm vững kiến thức về kinh doanh dịch vụ bất động sản như: Định giá bất động sản, Quản lý bất động sản, Môi giới bất động sản; (5) Có kiến thức về kinh tế bất động sản và quản lý nhà nước về bất động sản.
Về kỹ năng: Ngoài các kỹ năng chung, cử nhân Bất động sản được học tập và rèn luyện về các kỹ năng chuyên môn để có thể sẵn sàng làm việc ở môi trường cạnh tranh trong nước và quốc tế, có khả năng vận dụng thành thạo hệ thống kiến thức chuyên môn để giải quyết các vấn đề kinh doanh và quản lý trong lĩnh vực bất động sản: (1) Có khả năng xây dựng chiến lược, tổ chức và thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh, phát triển bất động sản; (2) Có khả năng thực hiện các nghiệp vụ định giá bất động sản; môi giới bất động sản và quản lý bất động sản; (3) Có khả năng tham gia xây dựng, hoạch định chính sách kinh tế bất động sản và quản lý nhà nước về thị trường bất động sản.
Mục tiêu đào tạo của ngành Bất động sản không chỉ chú ý trang bị kiến thức chuyên môn phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, mà còn đặc biệt quan tâm giáo dục tư tưởng, đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, có trách nhiệm với xã hội, có tư duy khoa học sáng tạo, chủ động và độc lập ở mọi vị trí công tác trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và quản lý nhà nước về đất đai và thị trường bất động sản.
Sinh viên được rèn luyện các kỹ năng quản lý, tình huống kinh doanh thông qua các giờ học theo phương pháp cùng tham gia trên lớp cũng như những cơ hội thực hành tại các đơn vị kinh doanh trong mạng lưới liên kết gắn đào tạo – thực hành. Ngoài tài liệu, sinh viên được tạo điều kiện tiếp cận các phương tiện học tập hiện đại, hệ thống máy tính, internet giúp sinh viên tiếp cận với kiến thức mới, hiện đại, thực tế ở Việt Nam và trên thế giới.
3. Vị trí công việc tương lai
Cử nhân Bất động sản sau khi tốt nghiệp sẽ có cơ hội làm việc tại:
- Các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư phát triển bất động sản.
- Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản; các doanh nghiệp về Định giá bất động sản, Quản lý bất động sản, Môi giới bất động sản; các Sàn giao dịch bất động sản …
- Các ngân hàng, các tổ chức tài chính và các quỹ đầu tư.
- Các cơ quan quản lý Nhà nước về bất động sản và đất đai từ Trung ương đến địa phương (Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường,…); hệ thống ngành dọc của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Tổng cục thuế; UBND các cấp …
- Tự lập nghiệp bằng việc khởi sự kinh doanh, tạo lập doanh nghiệp bất động sản.
- Các Viện nghiên cứu và Trường Đại học có đào tạo về bất động sản.
- Các Viện nghiên cứu và Trường Đại học.
Trên 50% sinh viên được tuyển dụng ngay khi thực tập tốt nghiệp, 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm phù hợp với mức thu nhập hấp dẫn.
4. Chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng quy chuẩn về chương trình đào tạo theo tín chỉ và hội nhập quốc tế. Hệ thống các môn học trong chương trình đào tạo của ngành bất động sản được thiết kế theo 5 hướng chủ yếu, tương ứng với 5 hướng làm việc chính của sinh viên khi ra trường: (1) Các tập đoàn, tổng công ty, công ty đầu tư phát triển bất động sản; (2) Các công ty kinh doanh dịch vụ bất động sản; (2) Các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai và bất động sản; (3) Các ngân hàng và các tổ chức tài chính; (4) Các viện nghiên cứu và các trường Đại học.
Ngoài các khối kiến thức chung của trường, một số môn học của Ngành bất động sản bao gồm:
1) Thị trường bất động sản
2) Kinh tế bất động sản
3) Kinh doanh bất động sản
4) Phát triển bất động sản
5) Đầu tư và tài chính bất động sản
6) Quản lý bất động sản
7) Định giá bất động sản
8) Môi giới bất động sản
9) Kiến trúc
10) Quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn
11) Pháp luật đất đai và bất động sản
12) Quản lý nhà nước về đất đai và bất động sản
13) Đăng ký thống kê đất và bất động sản
14) Tổ chức thi công xây dựng
15) Tiếng Anh ngành bất động sản
….
Trong quá trình học tập, sinh viên Ngành Bất động sản có điều kiện để được tham gia các cuộc thi chuyên môn có quy môn; đi thực tế; thực hành, làm việc tại các đơn vị kinh doanh bất động sản trong mạng lưới liên kết gắn đào tạo – thực hành của Khoa.
5. Kết quả đào tạo
Thực tế kết quả đào tạo Ngành bất động sản nói chung và gần 20 năm đào tạo chuyên ngành Kinh doanh bất động sản, cho thấy sinh viên ra trường đã tham gia sâu, rộng trong tất cả các mảng thuộc lĩnh vực bất động sản. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đi làm đã nắm giữ các vị trí chủ chốt tại các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản (khoảng 50%); nhiều người hiện đang công tác tại các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai và bất động sản từ Trung ương đến địa phương như Bộ Xây dựng, Bộ TNMT, Bộ Tài chính và các Sở của các tỉnh, phòng ban của huyện (khoảng 20%); các ngân hàng, các công ty tài chính, các quỹ đầu tư (khoảng 30%); các cơ quan nghiên cứu và một số trường đại học, cao đẳng trên mọi miền đất nước.